Đường sắt Thủ Thiêm Long Thành là tuyến đường sắt nhẹ kết nối Khu đô thị Thủ Thiêm, TP Thủ Đức tới sân bay quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Thông tin về đường sắt Thủ Thiêm Long Thành
Tổng chiều dài: | 38km. |
Điểm đầu: | ga Thủ Thiêm. |
Điểm cuối: | ga Long Thành. |
Khổ đường sắt: | 2 đường ray tiêu chuẩn 1435mm. |
Vốn đầu tư: | Khoảng 40.500 tỷ đồng. |
Đơn vị thẩm quyền: | UBND tỉnh Đồng Nai (dự kiến). |
Thời gian thực hiện: | Từ năm 2022. |
Thời gian vận hành: | Sau năm 2027. |
Khi nào khởi công đường sắt nối TPHCM với Đồng Nai
Bộ Giao thông vận tải cho biết, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong tháng 10 năm 2021.
Theo đó, các tỉnh thành phía Nam có 4 tuyến đường sắt kết nối liên vùng:
- Tuyến Biên Hòa – Vũng Tàu 84km từ ga Trảng Bom đến ga Vũng Tàu;
- Tuyến TP HCM – Cần Thơ 174km từ ga An Bình đến ga Cái Răng;
- Tuyến TP HCM – Lộc Ninh 128km từ ga Dĩ An đến biên giới Việt Nam – Campuchia (cửa khẩu Hoa Lư);
- Tuyến Thủ Thiêm – Long Thành 38km từ ga Thủ Thiêm đến sân bay quốc tế Long Thành.
Đối với tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành là đường sắt nhẹ, chỉ phục vụ hành khách, lộ trình đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030.
Ngày 30 tháng 3 năm 2022, Văn phòng Chính phủ ban hành công văn truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về nội dung: Yêu cầu TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai thống nhất với Bộ Giao thông vận tải và các bộ liên quan về phương án đầu tư dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Cảng hàng không quốc tế Long Thành, bảo đảm phù hợp quy hoạch, đúng thẩm quyền theo quy định pháp luật.
Hiện nay, dự án đường sắt tỷ đô này đã được Thủ tướng đưa vào danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2025. Trong năm 2022 này sẽ được bố trí vốn để triển khai nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư trong vài năm tới.
Vai trò của đường sắt Thủ Thiêm Long Thành
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, tuyến đường sắt đi từ sân bay Long Thành về trung tâm TP Hồ Chí Minh là một trong những dự án động lực của kỳ trung hạn tiếp theo nhằm tăng cường các phương thức vận tải kết nối các đô thị lớn. Cụ thể:
– Đồng bộ hạ tầng giao thông
Sân bay quốc tế Long Thành được khai thác với công suất 100 triệu hành khách/năm; và con số này có thể lớn hơn nữa. Do đó, cần một hạ tầng kết nối vừa hiện đại để đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách.
Ngoài tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành, Chính phủ còn quy hoạch 1 tuyến khác là Biên Hòa – Vũng Tàu để phục vụ hành khách đi và đến 3 thành phố lớn này.
Đối với đường bộ, cũng đã quy hoạch nhiều tuyến đường hướng đa tâm để phục vụ khách ra vào cảng hàng không.
3 tuyến đường tỉnh lộ bao gồm: 769, 773 và 770B sẽ được đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng với quy mô từ 4 – 12 làn, lộ giới từ 40-120m. Tổng vốn để thực hiện gần 19000 tỷ đồng.
Các tuyến đường bộ cao tốc như Dầu Giây – Phan Thiết; Biên Hòa – Vũng Tàu; Bến Lức – Long Thành; Dầu Giây – Liên Khương; mở rộng cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây lên 10 – 12 làn xe; đường Vành đai 3; Vành đai 4.
Các dự án giao thông này đang được chuẩn bị đầu tư để sớm đưa vào khai thác đồng bộ với tiến độ của sân bay quốc tế Long Thành vào năm 2025.
– Giảm tải cho cao tốc TPHCM – Long Thành
Sau khi xây dựng xong, đường sắt Thủ Thiêm Long Thành và cao tốc TPHCM – Long Thành sẽ là 2 trục giao thông chính kết nối trung tâm Quận 1 với cảng hàng không Long Thành.
Hiện tại, cao tốc từ TPHCM đi Long Thành rộng 4 làn xe đang bị quá tải. Phương án mở rộng đã được tính đến và dự kiến triển khai từ 2022 – 2025. Dự kiến số làn xe sẽ tăng gấp 2,5 lần lên 10 – 12 làn xe; cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại khi sân bay hoạt động vào năm 2025.
Ngoài ra, tuyến đường sắt sẽ tăng khả năng kết nối đến các khu công nghiệp, khu đô thị và cảng biển quốc tế Cái Mép – Thị Vải. Qua đó, hỗ trợ phát triển tam giác kinh tế TPHCM – Biên Hòa – Vũng Tàu. Là yếu tố thuận lợi để thị trường bất động sản tăng trưởng không ngừng.