Đường sắt Biên Hòa Vũng Tàu vừa được đề xuất đầu tư với số tiền 50.000 tỷ đồng. Đây là công trình có tính lan tỏa lớn về kinh tế xã hội, hạ tầng giao thông cho cả Vùng kinh tế phía Nam.
Thông tin về đường sắt Biên Hòa Vũng Tàu
Tổng chiều dài: 84km.
Điểm đầu: ga Trảng Bom tỉnh Đồng Nai.
Điểm cuối: cảng Cái Mép – Thị Vải, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Khổ đường sắt:
- Đoạn Trảng Bom – Phú Mỹ: 2 đường ray tiêu chuẩn 1435mm.
- Đoạn Phú Mỹ – Vũng Tàu: 1 đường ray tiêu chuẩn 1435mm.
Vốn đầu tư: Khoảng 50.822 tỷ đồng.
Hình thức đầu tư: Đối tác công tư (PPP).
Đơn vị thẩm quyền: UBND tỉnh Đồng Nai (dự kiến).
Thời gian thực hiện: Từ năm 2022.
Thời gian vận hành: Trước năm 2030.
Tiến độ triển khai xây dựng đường sắt Biên Hòa Vũng Tàu
Theo Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 về Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu là một trong bốn tuyến đường sắt kết nối vùng Đông Nam Bộ với tuyến đường sắt xuyên Á.
Ba đoạn tuyến khác bao gồm: Thủ Thiêm – Long Thành 38km; TP.HCM – Cần Thơ 174km; Dĩ An – Hoa Lư 128km.
Đường sắt kết nối TP Biên Hòa với cảng Thị Vải – Cái Mép thuộc dự án quan trọng quốc gia, được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025; vận hành khai thác trước năm 2030.
Nội dung được đề cập tại Quyết định số 2168/QĐ-BGTVT ngày 20/12/2021 của Bộ Giao thông Vận Tải. Bộ đã chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam lập kế hoạch triển khai trong kế hoạch đầu tư công năm 2022.
Ngày 6 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ GTVT nghiên cứu triển khai lập Dự án tiền khả thi trong năm 2022 để đảm bảo phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.
Ngày 30 tháng 3 năm 2022, Văn phòng Chính phủ ban hành công văn truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về nội dung: Yêu cầu Bà Rịa – Vũng Tàu; Đồng Nai thống nhất với Bộ Giao thông vận tải và các bộ liên quan về phương án đầu tư dự án đường sắt Vũng Tàu – Biên Hòa; bảo đảm phù hợp quy hoạch, đúng thẩm quyền theo quy định pháp luật.
3 tác động lớn nhất của công trình đường sắt Đồng Nai Vũng Tàu.
Nếu sớm được xây dựng và vận hành, dự án sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn sau:
– Tăng khả năng khai thác cho sân bay Long Thành
Với lưu lượng hành khách đạt 100 triệu lượt và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, cần phải có 1 hạ tầng kết nối giao thông đồng bộ, đa phương tiện mới giảm tải áp lực cho sân bay Long Thành.
Trong tương lai, hành khách qua cảng hàng không sẽ có 2 lựa chọn. Thứ nhất, đi đường sắt bằng một trong hai tuyến: Thủ Thiêm – Long Thành; Biên Hòa – Vũng Tàu. Thứ hai, đi bằng đường bộ cao tốc thông qua các đoạn:
- Dầu Giây – Phan Thiết;
- Biên Hòa – Vũng Tàu;
- Bến Lức – Long Thành;
- Dầu Giây – Liên Khương,
- TPHCM – Long Thành – Dầu Giây;
- Vành đai 3;
- Vành đai 4.
– Giảm tải cho Quốc lộ 51
Hiện nay, đây là con đường độc đạo nối Biên Hòa và Vũng Tàu. Đây là 2 đô thị công nghiệp và dịch vụ quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tuy nhiên, con đường đang bị quá tải ngày một nghiêm trọng do phải “cõng” một lượng lớn phương tiện giao thông. Tình trạng tắc đường, đường xuống cấp ảnh hưởng đến phương tiện, tài sản và tính mạng của người tham gia giao thông.
Tuyến đường sắt và đường bộ cao tốc từ Biên Hòa đi Vũng Tàu sắp được xây dựng đi song song với Quốc lộ 51 sẽ giảm bớt phương tiện giao thông trọng tải nặng; hạn chế hư hại về cơ sở hạ tầng và giảm thiểu tai nạn.
– Thúc đẩy phát triển cụm cảng Cái Mép – Thị Vải
Cái Mép – Thị Vải là 1 trong 19 siêu cảng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, công suất khai thác tại đây còn thiếu kết nối về cơ sở hạ tầng. Hiện tại, Quốc lộ 51 là trục giao thông chính kết nối cảng Cái Mép với các khu công nghiệp; cụm công nghiệp trên 2 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, đánh giá: “Việc sớm xây dựng tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu là rất cần thiết giúp giải phải toán logistic cho Cái Mép – Thị Vải”. Việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt giúp tiết kiệm chi phí; tiết kiệm thời gian và bảo đảm an toàn cho phương tiện và hàng hóa.
Nếu mang lại hiệu quả kinh tế tốt sẽ là yếu tố để thu hút các doanh nghiệp đặt nhà máy, xưởng sản xuất tại các khu công nghiệp nằm kề tuyến đường sắt. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế cho địa phương; nâng tầm vị thế cho cảng Cái Mép trong khu vực cũng như trên thế giới.
Kinh tế tăng trưởng cao và đều đặn là tín hiệu tích cực để thị trường bất động sản có nhiều dư địa phát triển.