Duyên hải Nam Trung Bộ là vùng ven biển kéo dài từ TP Đà Nẵng tới tỉnh Bình Thuận. Chiều dài bờ biển hơn 1000km giúp vùng kinh tế phát triển ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, công nghiệp cảng biển và dịch vụ du lịch.
Mục lục
Vị trí tự nhiên vùng Nam Trung Bộ
Nằm ở vị trí trung độ của cả nước, là một trong 3 hợp phần của miền Trung Việt Nam. Vị trí địa lý cụ thể như sau:
- Phía Bắc giáp Bắc Trung Bộ (ranh giới tỉnh Thừa Thiên Huế).
- Phía Tây giáp Tây Nguyên và Lào.
- Phía Nam giáp Đông Nam Bộ (ranh giới tỉnh Đồng Nai).
- Phía Đông giáp biển Đông.
– Diện tích: 45 nghìn km².
– Dân số: Hơn 10 triệu người (2019).
– Mật độ dân số: 230 người/km².
– Gồm 8 tỉnh thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.
– Đơn vị hành chính: 10 thành phố, 8 thị xã và 62 huyện.
– Địa hình: chủ yếu là đồi núi, địa chất phức tạp, vùng ven biển là các đồng bằng nhỏ hẹp, lớn nhất là đồng bằng Tuy Hòa.
– Khí hậu: nhiệt đới gió mùa.
– Sông ngòi: Gồm các hệ thống sông lớn như sông Thu Bồn, sông Vu Gia, sông Ba, sông Cái, sông Vu Gia, …
Bản đồ hành chính Nam Trung Bộ
Một vài thông tin vui về thông tin hành chính của vùng:
Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương duy nhất khu vực Trung Bộ.
Đà Nẵng là đơn vị có diện tích tự nhiên nhỏ nhất (1.284,9 km²).
Quảng Nam là đơn vị hành chính có diện tích tự nhiên lớn nhất (10.438 km²).
Quảng Nam là tỉnh duy nhất có đường biên giới quốc tế (Lào).
Khánh Hòa là tỉnh có đường bờ biển dài nhất (384km).
Toàn khu vực có:
- 3 thành phố đô thị loại: Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang.
- 5 thành phố đô thị loại II trực thuộc tỉnh: Tam Kỳ, Quảng Ngãi; Tuy Hòa, Phan Rang – Tháp Chàm, Phan Thiết.
- 4 đô thị loại III gồm 2 thành phố trực thuộc tỉnh: Hội An, Cam Ranh và 2 thị xã: Sông Cầu, La Gi.
- 10 đô thị loại IV gồm 6 thị xã: Điện Bàn, Đức Phổ, Hoài Nhơn, An Nhơn, Đông Hòa, Ninh Hòa; 1 huyện Diên Khánh và 3 thị trấn: Phú Phong, Vạn Giã, Phan Rí Cửa.
1. Bản đồ hành chính Đà Nẵng
Tp Đà Nẵng được quy hoạch là thành phố tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực; trung tâm chính trị – kinh tế – xã hội với vai trò là trung tâm công nghiệp, tài chính, du lịch, dịch vụ, văn hóa, giáo dục – đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học – công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực Miền Trung – Tây Nguyên và cả nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế. Đồng thời là hạt nhân, đóng quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Đà Nẵng là thành phố biển, thành phố du lịch nằm trên tuyến đường hướng ra biển của hành lang kinh tế Đông Tây kết nối với các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar đến các vùng Đông Bắc Á với điểm kết thúc là cảng biển Tiên Sa.
– Vị trí địa lý:
- Phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Phía Tây và Nam giáp tỉnh Quảng Nam.
- Phía Đông giáp Biển Đông với bờ biển dài hơn 60km.
– Diện tích: 1.284,9 km².
– Dân số: 1.134.310 người (2019).
– Mật độ dân số: 824 người/km².
– Đơn vị hành chính: 6 quận và 2 huyện với 56 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 45 phường và 11 xã.
- 6 quận bao gồm: Thanh Khê, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Hải Châu, Sơn Trà.
- 2 huyện: Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa.
2. Bản đồ hành chính tỉnh Quảng Nam
Quảng Nam sở hữu 2 di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn. Bên cạnh đó, còn có nhiều bãi tắm đẹp như Thống Nhất, Hà My (Điện Bàn); Cửa Đại, An Bàng (Hội An), Bình Minh (Thăng Bình), Tam Thanh (Tam Kỳ), Bãi Rạng (Núi Thành).
Quảng Nam nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có tổ hợp sản xuất và lắp ráp xe ô tô Trường Hải Auto. Tỉnh cũng có cơ sở hạ tầng tương đối đầy đủ như Quốc lộ 1A, cao tốc Đà Nẵng – Tam Kỳ – Quảng Ngãi; sân bay Chu Lai, đường sắt Bắc Nam.
– Vị trí địa lý:
- Phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng.
- Phía Nam giáp tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum.
- Phía Tây giáp biên giới Lào, tỉnh Sekong.
- Phía Đông giáp Biển Đông với bờ biển dài 126km.
– Diện tích: 10.438km².
– Dân số: 1.495.812 người (2019).
– Mật độ dân số: 149 người/km².
– Đơn vị hành chính: gồm 2 thành phố, 1 thị xã và 15 huyện với 25 phường, 13 thị trấn, 203 xã.
- 2 thành phố: Hội An và Tam Kỳ
- 1 thị xã: Điện Bàn.
- 15 huyện: Bắc Trà My, Nam Trà My, Duy Xuyên, Đại Lộc, Núi Thành; Phước Sơn, Nông Sơn, Phú Ninh, Tây Giang, Đông Giang, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nam Giang.
3. Bản đồ hành chính tỉnh Quảng Ngãi
Quảng Ngãi cách Hà Nội 884km về phía Bắc và cách Thành phố Hồ Chí Minh 836km về phía Nam theo Quốc lộ 1A. Là một trong năm tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – nơi đặt nhà máy lọc dầu Dung Quất đầu tiên của Việt Nam
Quảng Ngãi vốn nổi tiếng với bề dày văn hóa – lịch sử, truyền thống yêu nước và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Núi Ấn – sông Trà thơ mộng được xem là biểu tượng thắng cảnh của địa phương này. Ngoài ra, còn có nhiều địa danh nổi tiếng khác như đảo Lý Sơn, bãi biển Sa Huỳnh, gành Yến, …
– Vị trí địa lý:
- Phía Đông giáp Biển Đông với 144km đường biển.
- Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam.
- Phía Nam giáp tỉnh Bình Định.
- Phía Tây giáp tỉnh Kon Tum.
- Phía Tây nam giáp tỉnh Gia Lai.
– Diện tích: 5132,5km².
– Dân số: 1.231.697 người (2019).
– Mật độ dân số: 237 người/km².
– Đơn vị hành chính: 1 thành phố, 1 thị xã và 11 huyện, bao gồm 17 phường, 8 thị trấn và 148 xã.
- 1 thành phố: Quảng Ngãi.
- 1 thị xã: Đức Phổ.
- 11 huyện: Tư Nghĩa, Mộ Đức, Bình Sơn, Nghĩa Hành, Ba Tơ, Lý Sơn; Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Sơn Tịnh, Trà Bồng.
4. Bản đồ hành chính tỉnh Bình Định
Bình Định có vị trí địa kinh tế đặc biệt quan trọng trong việc giao lưu với các quốc gia ở khu vực và quốc tế, là cửa ngõ hướng biển của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Đông Bắc Thái Lan thông qua Quốc lộ 19 tới cảng biển quốc tế Quy Nhơn.
Bình Định là “Miền đất võ, xứ văn chương”, có nguồn tài nguyên du lịch rất phong phú, đa dạng. Nhắc đến hai từ “Bình Định” là người ta sẽ biết về rượu Bàu Đá, đầm Thị Nại, đền thờ Quang Trung, eo Gió, biển Kỳ Co, …
– Vị trí địa lý:
- Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi.
- Phía Nam giáp tỉnh Phú Yên.
- Phía Tây giáp tỉnh Gia Lai.
- Phía Đông giáp Biển Đông với bờ biển dài 134km.
– Diện tích: 6.066,2 km².
– Dân số: 1.486.918 người (2019).
– Mật độ dân số: 252 người/km².
– Đơn vị hành chính: 1 thành phố, 2 thị xã và 8 huyện gồm 32 phường, 11 thị trấn và 116 xã.
- 1 thành phố: Quy Nhơn
- 2 thị xã: An Nhơn và Hoài Nhơn.
- 8 huyện: Vân Canh, An Lão, Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Tuy Phước.
5. Bản đồ hành chính tỉnh Phú Yên
Phú Yên là “xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh” nổi tiếng sau khi bộ phim được công chiếu vào năm 2015. Đây là vùng đất sở hữu tiềm năng du lịch phong phú, địa hình tự nhiên đa dạng, có cả rừng núi, cao nguyên, đồng bằng châu thổ, sông, hồ, đầm, vịnh, hải đảo… với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, độc đáo.
Phú Yên đang là địa chỉ du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái với nhiều điểm tham quan độc đáo như: đầm Ô Loan; ghềnh Đá Dĩa; đầm Cù Mông; vịnh Vũng Rô; mũi Đại Lãnh; hòn Yến…
– Vị trí địa lý:
- Phía Bắc giáp tỉnh Bình Định.
- Phía Nam giáp Khánh Hòa.
- Phía Tây giáp Đắk Lắk và Gia Lai.
- Phía Đông giáp Biển Đông với đường bờ biển dài 189km.
– Diện tích: 5.023,4 km².
– Dân số: 961.152 ngườI (2019).
– Mật độ dân số: 180 người/km².
– Đơn vị hành chính: 1 thành phố, 2 thị xã và 6 huyện bao gồm 21 phường, 6 thị trấn và 83 xã.
- 1 thành phố: Tuy Hòa
- 2 thị xã: Sông Cầu và Đông Hòa.
- 6 huyện: Tuy An, Đồng Xuân, Tây Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa, Phú Hòa.
6. Bản đồ hành chính tỉnh Khánh Hòa
Khánh Hòa có địa hình đa dạng với những dãy núi, đồi nằm đan xen biển cả và đồng bằng, hình thành nên nhiều danh lam thắng cảnh đẹp như: núi Vọng Phu, dãy núi Tam Phong, vịnh Nha Trang, vịnh Vân Phong; vịnh Cam Ranh, bãi biển Đại Lãnh, bãi biển Dốc Lết, đảo Hòn Tre, đảo Hòn Thị.
Nha Trang là trung tâm du lịch quốc gia thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước tới nghỉ dưỡng. Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang từng bước hoàn thiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.
– Vị trí địa lý:
- Phía Bắc giáp tỉnh Phú Yên.
- Phía Tây giáp tỉnh Đắk Lắk.
- Phía Nam giáp tỉnh Ninh Thuận.
- Phía Tây Nam giáp tỉnh Lâm Đồng.
- Phía Đông giáp Biển Đông.
– Diện tích: 5.137,8 km².
– Dân số: 1.231.107 người (2019).
– Mật độ dân số: 238 người/km².
– Đơn vị hành chính: 2 thành phố, 1 thị xã, 6 huyện bao gồm 35 phường, 6 thị trấn và 98 xã.
- 2 thành phố: Nha Trang và Cam Ranh.
- 1 thị xã: Ninh Hòa
- 6 huyện: Khánh Sơn, Cam Lâm, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Trường Sa và Vạn Ninh.
7. Bản đồ hành chính tỉnh Ninh Thuận
Là vùng đất “nắng như Rang, gió như Phan”, Ninh Thuận cùng với Bình Thuận là hai tỉnh vùng Nam Trung Bộ có khí hậu khắc nghiệt nhất. Thế nhưng, đây lại là lợi thế để tỉnh có nhiều đặc sản “độc nhất” được nhiều người biết tới: nho Ninh Thuận, nước mắm Cà Ná, …
Với 105km đường bờ biển kết hợp với nhiều dạng địa hình khác nhau đã tạo nên nhiều danh lam thắng cảnh đẹp vẫn giữ được nét hoang sơ cho tới tận ngày nay: vườn quốc gia Núi Chúa; vịnh Vĩnh Hy; biển Ninh Chữ; tháp Chăm; đồi cát Nam Dương; …
– Vị trí địa lý:
- Phía Bắc giáp tỉnh Khánh Hòa.
- Phía Nam giáp tỉnh Bình Thuận.
- Phía Tây giáp tỉnh Lâm Đồng.
- Phía Đông giáp Biển Đông.
– Diện tích: 3.355,34 km².
– Dân số: 590.467 người (2019).
– Mật độ dân số: 181 người/km².
– Đơn vị hành chính: 1 thành phố và 6 huyện chia thành 47 xã, 15 phường, 3 thị trấn.
- 1 thành phố: Phan Rang – Tháp Chàm.
- 6 huyện: Ninh Sơn, Thuận Bắc, Thuận Nam, Ninh Hải, Ninh Phước và Bác Ái.
8. Bản đồ hành chính tỉnh Bình Thuận
Bình Thuận là tỉnh cực Nam Trung Bộ, tiếp giáp với vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Nằm trong vùng tứ giác du lịch quốc gia là TPHCM – Vũng Tàu – Đà Lạt – Nha Trang. Địa phương này cũng sở hữu bờ biển dài và đẹp nhất châu Á cùng các địa danh du lịch như: Đồi cát hồng; biển Mũi Né; hòn Thơm; đảo Phú Quý; …
Những năm gần đây, hạ tầng giao thông Bình Thuận được đầu tư mạnh mẽ: 3 tuyến đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết – Vĩnh Hảo có tổng chiều dài 160km, vốn đầu tư 40.000 tỷ đồng; sân bay Phan Thiết vốn 10.000 tỷ đồng. Đây là tiền đề để phát triển du lịch Bình Thuận trở thành điểm đến hàng đầu châu Á trong tương lai gần.
– Vị trí địa lý:
- Phía Bắc giáp với tỉnh Lâm Đồng.
- Phía Đông Bắc giáp tỉnh Ninh Thuận.
- Phía Tây giáp tỉnh Đồng Nai.
- Phía Tây Nam giáp Bà Rịa-Vũng Tàu.
- Phía Đông và Nam giáp Biển Đông với đường bờ biển dài 192km.
– Diện tích: 7.812,8 km².
– Dân số: 1.230.808 người (2019).
– Mật độ dân số: 155 người/km².
– Đơn vị hành chính: 1 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện bao gồm 19 phường, 12 thị trấn và 93 xã.
- 1 thành phố: Phan Thiết
- 1 thị xã: Lagi
- 8 huyện: Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong, Tánh Linh, Đức Linh, Bắc Bình, Phú Quý.
Đặc điểm kinh tế xã hội 8 tỉnh Nam Trung Bộ
Đây là vùng kinh tế đóng vai trò quan trọng, làm cầu nối kinh tế, quốc phòng giữa các tỉnh Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ với Tây Nguyên; giữa đất liền với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Về nông nghiệp, trong cơ cấu ngành nông – lâm – ngư nghiệp thì ngư nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất. Với lợi thế là bờ biển dài, các ngư trường rộng nên cho khai thác nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao như cá ngừ, tôm hùm, hải sâm…
Về công nghiệp, cũng có sự tăng trưởng nhưng đang có xu hướng chậm lại. Toàn vùng có tất cả 6 khu kinh tế với 52 khu công nghiệp đã có quyết định thành lập với diện tích đất tự nhiên 10.446,5 ha. Trong đó, có 29 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 3.649,6 ha đã đi vào hoạt động. Các ngành công nghiệp chủ lực bao gồm: lọc hóa dầu, năng lượng, lắp ráp ô tô; sửa chữa và đóng mới tàu biển, chế biến nông lâm thủy sản, hóa chất.
Về dịch vụ, nhờ có vị trí địa lý thuận lợi và lợi thế tài nguyên, hai ngành dịch vụ phát triển nhất của vùng là du lịch, dịch vụ vận tải. Ngành du lịch thu hút hơn 37 triệu lượt khách, doanh thu hơn 70.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân trên 20% mỗi năm.
Bản đồ quy hoạch giao thông vùng Duyên hải miền Trung
Hiện nay, cơ sở hạ tầng khu vực Nam Trung Bộ đều có đầy đủ loại hình vận tải nhưng còn thiếu tính liên kết, đặc biệt là các dự án giao thông trọng điểm. Đối với vùng nông thôn, cơ sở hạ tầng giao thông có nhiều chuyển biến tích cực nhờ vào chương trình Nông thôn mới.
Về đường bộ, Quốc lộ 1A chạy xuyên suốt các tỉnh trong vùng, nối với các tỉnh phía Bắc và phía Nam. Các tuyến Quốc lộ 14B, 14D, 19, 24, 25, 27, 28 nối với các tỉnh Tây Nguyên. Những tuyến đường này tuy đã được nâng cấp, mở rộng và sửa chữa nhưng thường xuyên quá tải.
Toàn vùng chỉ có 1 đoạn cao tốc Bắc Nam là Đà Nẵng – Quảng Ngãi được sử dụng vào năm 2018. Hiện tại, đang xây dựng 4 phân đoạn khác là Dầu Giây – Phan Thiết; Phan Thiết – Vĩnh Hảo; Vĩnh Hảo – Cam Lâm; Cam Lâm – Nha Trang dự kiến hoàn thành trong năm 2023-2024. Phân đoạn còn lại từ Quảng Ngãi – Nha Trang đang lên kế hoạch xây dựng trước năm 2025.
Về đường sắt, tuyến đường sắt hiện hữu cũng chạy qua 8 tỉnh thành nhưng đã bị xuống cấp nặng. Năng lực vận tải hành khách và hàng hóa yếu. Hằng năm, ngân sách nhà nước chi hàng nghìn tỷ để bảo dưỡng đường ray và đoàn tàu để tăng năng lực vận tải nhưng vẫn kém hiệu quả.
Theo quy hoạch giao thông ngành đường sắt đến năm 2030, sẽ xây dựng một tuyến đường sắt tốc độ cao mới hoàn toàn, khổ đôi 1435mm đi qua Nam Trung Bộ. Trước tiên, sẽ ưu tiên xây tuyến TPHCM – Nha Trang với chiều dài 370km.
Đối với hàng không, sẽ xây dựng và mở rộng các sân bay hiện hữu để tăng sản lượng khai thác, tăng tính liên kết giữa các địa phương trong nước cũng như các nước trong khu vực và thế giới. Các sân bay trọng điểm là Đà Nẵng; Chu Lai (Quảng Nam); Phú Cát (Bình Định); Cam Ranh (Khánh Hòa); Phan Thiết (Bình Thuận).
Về đường thủy, tập trung khai thác các cảng biển đã được quy hoạch như Liên Chiểu, Tiên Sa (Đà Nẵng); Dung Quất (Quảng Ngãi); Quy Nhơn (Bình Định); Vũng Rô (Phú Yên), Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh (Khánh Hòa). Những cảng này rất gần với đường hàng hải quốc tế, đây là điều kiện thuận lợi cho vùng trong việc mở rộng và phát triển giao lưu kinh tế trong nước và thế giới.