Theo Ban quản lý Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, 8 tuyến Metro TPHCM đã được Chính phủ quy hoạch theo Quyết định số 568/QĐ-TTg được phê duyệt ngày 8 tháng 4 năm 2013 với tổng chiều dài 220km.
Hiện một dự án chuẩn bị đưa vào sử dụng, một dự án chuẩn bị khởi công trong năm 2021 và ba dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu.
Mục lục
- 8 tuyến Metro TPHCM mang lại những lợi ích gì?
- Tuyến Metro số 1 Bến Thành Suối Tiên.
- Tuyến Metro số 2 Bến Thành – Thủ Thiêm
- Metro TP.HCM – Tuyến số 3a.
- Tuyến Metro TP.HCM 3b Ngã sáu Cộng Hòa – Hiệp Bình Phước
- Tuyến Metro số 4 Thạnh Xuân – KĐT Hiệp Phước
- Tuyến số 4b Ga Công viên Gia Định – Ga Lăng Cha Cả
- Tuyến Metro TPHCM số 5 Cầu Sài Gòn – bến xe Cần Giuộc
- Tuyến đường sắt đô thị số 6 Bà Quẹo – vòng xoay Phú Lâm
8 tuyến Metro TPHCM mang lại những lợi ích gì?
Metro (Đường sắt đô thị) là một loại hình vận tải bằng đường sắt dùng để trung chuyển hành khách và hàng hóa một cách nhanh nhất tại các đô thị lớn. Trước tình trạng giao thông ngày càng ách tắc tại TPHCM, thì việc xây dựng các tuyến Metro hoàn toàn cần thiết để giải quyết bài toán giao thông vốn chưa có câu trả lời trong hàng chục năm qua.
Xây dựng Metro TPHCM còn giúp giải quyết bài toán giãn dân từ trung tâm ra khu vực xung quanh. Bởi sẽ có nhiều dự án nhà ở phát triển dọc hai bên các tuyến Metro, giá nhà đất vì thế cũng tăng theo, môi giới sẽ có nhiều giao dịch; còn người dân vừa có nơi an cư phù hợp và việc đi lại cũng thuận tiện hơn. Doanh nghiệp có đơn hàng sản xuất, nhân công có việc làm, thu nhập ổn định.
Tuyến Metro số 1 Bến Thành Suối Tiên.
Tuyến số 1 có tên thương mại là Bến Thành – Suối Tiên, chiều dài khoảng 19,7 km đi qua các Quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và TP. Dĩ An; có 14 nhà ga (3 ga ngầm và 11 ga trên cao) và 1 khu Depot Long Bình rộng 27ha. Dự án được khởi động xây dựng vào tháng 8/2012 và dự kiến khai thác thương mại vào cuối năm 2022.
Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 43 nghìn tỷ đồng, do JICA tài trợ và vốn đối ứng của TPHCM. Dự án chia làm 4 gói thầu chính:
– Gói số 1: Xây dựng đoạn đi ngầm: gồm 2 gói thầu:
+ Gói số 1a: Từ Ga TT Bến Thành – ga Nhà hát TP; bao gồm nhà ga ngầm Bến Thành và đoạn hầm metro dài 515m.
+ Gói số 1b: Từ ga Nhà hát TP – ga Ba Son; gồm 02 nhà ga ngầm và đoạn hầm metro dài 1.315m.
– Gói số 2: Xây dựng đoạn đi trên cao và depot: dài 17,1 km từ ga Ba Son đến TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
– Gói số 3: Mua thiết bị cơ điện, đường ray, toa xe và bảo dưỡng.
– Gói số 4: Hệ thống công nghệ thông tin cho Văn phòng Công ty Khai thác vận hành.
Hiện tại, tuyến Metro TPHCM số 1 được nghiên cứu kéo dài tới thành phố Biên Hòa – tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương như sau:
+ Kéo dài đến thành phố Biên Hòa – tỉnh Đồng Nai: Từ ga Suối Tiên, đi dọc theo quốc lộ 1 đến ngã 3 Chợ Sặt, thành phố Biên Hòa;
+ Kéo dài đến Bình Dương: Từ ga Suối Tiên – Mỹ Phước – Tân Vạn – Đường XT1 – ga trung tâm (Khu liên hợp Công nghiệp – Đô thị – Dịch vụ Bình Dương).
Dưới đây là những cột mốc ấn tượng của tuyến Metro từ khi xây dựng đến nay:
– Khối lượng công việc hoàn thành (đến tháng 5/2021): 87%.
– Ngày 10 tháng 10 năm 2020: Đoàn tàu đầu tiên trong tổng số 17 đoàn tàu thuộc tuyến Metro Bến Thành Suối Tiên về đến Depot Long Bình bắt đầu chạy thử nghiệm.
– Ngày 17 tháng 2 năm 2020: thông toàn bộ 2,6km đi ngầm thuộc 3 nhà ga ngầm từ Ba Son về Bến Thành.
– Tháng 6/2018: Thông tuyến đường sắt trên cao và hoàn thành đào hai hầm ngầm bằng robot TBM.
– Tháng 11/2016: Khởi công gói thầu 1A.
– Tháng 8/2014: Khởi công gói thầu 1B.
Việc hình thành tuyến metro số 1 sẽ giải quyết nhu cầu đi lại từ trung tâm thành phố về phía Đông, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
Tuyến Metro số 2 Bến Thành – Thủ Thiêm
Tuyến số 2 có tên thương mại là Bến Thành – Tham Lương; chiều dài khoảng 11,2km đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú. Trong đó có 9,2km đi ngầm trong lòng đất từ chợ Bến Thành đến Trường Chinh; và 2km đoạn đi trên cao. Xây dựng 10 nhà ga, trong đó 9 nhà ga ngầm và một nhà ga trên cao.
Metro HCM Bến Thành – Tham Lương có vốn đầu tư hơn 47.000 tỷ đồng; có 8 gói thầu chính và đang trong giai đoạn mở thầu trước khi khởi công chính thức vào năm 2021; dự kiến hoàn thành sau 5 năm xây dựng.
+ Gói thầu CP0: “Di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật”.
+ Gói thầu CP1: Xây dựng tòa nhà Văn phòng và các công trình phụ trợ tại depot Tham Lương.
+ Gói thầu CP2: Hạ tầng cơ sở Depot Tham Lương.
+ Gói thầu CP3 (gồm CP3a và CP3b): Đường hầm và các ga ngầm.
+ Gói thầu CP4: Cầu cạn, nhà ga trên cao, kết cấu chuyển tiếp và đường dẫn vào Depot.
+ Gói thầu CP5: Cơ và điện hệ thống.
+ Gói thầu CP6: Công trình đường ray.
+ Gói thầu CP7: Cơ và điện phi hệ thống.
Hiện tuyến số 2 đang được nghiên cứu kéo dài thêm 2 đoạn là Thủ Thiêm – Bến Thành và Tham Lương – Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi. Chiều dài 2 tuyến này khoảng 37km, đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi toàn tuyến.
Phía Ban quản lý đường sắt đô thị cũng thông tin rằng hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng nhà ga đã đạt hơn 97% và sẽ hoàn thành 100% vào cuối năm nay.
Việc hình thành tuyến metro số 2 sẽ giải quyết nhu cầu đi lại từ trung tâm thành phố về phía tây bắc, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
Metro TP.HCM – Tuyến số 3a.
Tuyến số 3A có tên thương mại là Bến Thành – Tân Kiên di chuyển như sau: Bến Thành – Phạm Ngũ Lão – Ngã 6 Cộng Hòa – Hùng Vương – Hồng Bàng – Kinh Dương Vương – Depot Tân Kiên – ga Tân Kiên. Tổng chiều dài khoảng 19,8km chia làm 2 giai đoạn đầu tư:
Giai đoạn 1 (Bến Thành – Bến xe Miền Tây):
– Chiều dài: khoảng 10 km (đi ngầm 8,3 km và 1.7 km đi trên cao)
– Số lượng ga: 08 ga ngầm và 02 ga trên cao.
– Sử dụng chung Depot Long Bình với tuyến Metro số 1.
– Tổng mức đầu tư: khoảng 1,82 tỷ USD.
Giai đoạn 2 (Bến xe Miền Tây – ga Tân Kiên):
– Chiều dài: 9,8 km đi trên cao.
– Số lượng ga: 7 ga trên cao.
– Depot Tân Kiên đặt tại huyện Bình Chánh với diện tích 20,15 ha.
-Tổng mức đầu tư: khoảng 1 tỷ USD.
Tuyến metro HCM số 3a sẽ kết nối với các tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2, số 4 tại ga Bến Thành để vận chuyển hành khách với cửa ngõ thành phố đi các tỉnh Miền Tây Nam Bộ.
Dự án đang được được đề xuất kéo dài tính kết nối tới Thành phố Tân An, tỉnh Long An đi dọc Quốc lộ 1 và sẽ xây dựng sau năm 2030.
Tuyến Metro TP.HCM 3b Ngã sáu Cộng Hòa – Hiệp Bình Phước
Tuyến Metro TPHCM 3b có điểm đầu là Ngã 6 Cộng Hòa đi qua các đường Nguyễn Thị Minh Khai – Xô Viết Nghệ Tĩnh – Quốc lộ 13 và kết thúc tại Depot Hiệp Bình Phước; chiều dài khoảng 12,1 km. Trong tương lai nghiên cứu kết nối với TP Thủ Dầu Một từ ga Hiệp Bình và đi dọc quốc lộ 13; kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 của tỉnh Bình Dương.
Thông tin cơ bản về tuyến số 3b:
– Chiều dài: khoảng 12,1km (9km đi ngầm và 3,1km đi trên cao).
– Số lượng ga: 10 ga (8 ga ngầm và 2 ga trên cao).
– Depot đặt tại Hiệp Bình Phước, Quận Thủ Đức với diện tích khoảng 20 ha.
– Tổng mức đầu tư khoảng: 1,87 tỷ USD.
Tuyến Metro số 4 Thạnh Xuân – KĐT Hiệp Phước
Đây là tuyến đường sắt đô thị dài nhất của TPHCM chạy theo hướng Bắc – Nam. Dự án đã lập Báo cáo đầu tư xây dựng công trình; lập hồ sơ cắm mốc giới và bàn giao cho địa phương để quản lý quy hoạch. Hiện đang kêu gọi nhà đầu tư để sớm thực hiện dự án.
Thông tin về tuyến Metro TPHCM Thạnh Xuân – KĐT Hiệp Phước:
– Chiều dài: 36,2km (19,9 km đi trên cao và 16,3 km đi ngầm).
– Lộ trình di chuyển: Thạnh Xuân – Hà Huy Giáp – Nguyễn Oanh – Nguyễn Kiệm – Phan Đình Phùng – Hai Bà Trưng – Bến Thành – Nguyễn Thái Học -Tôn Đản – Nguyễn Hữu Thọ – Khu đô thị Hiệp Phước.
– Số lượng ga: 32 (14 ga ngầm và 18 ga trên cao).
– 02 depot đặt tại Thạnh Xuân khoảng 27ha và Hiệp Phước khoảng 20ha.
– Tổng mức đầu tư: 4,57 tỷ USD.
Tuyến số 4b Ga Công viên Gia Định – Ga Lăng Cha Cả
Đây là nhánh kết nối tuyến Metro số 4 và số 5 có điểm đầu là ga Công viên Gia Định (tuyến số 4) đi theo đường Nguyễn Thái Sơn – Hồng Hà – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất – Trường Sơn – Công viên Hoàng Văn Thụ – Ga Lăng Cha Cả (tuyến số 5).
Dự án có chiều dài khoảng 3,2km được xây dựng ngầm dưới lòng đất; bố trí 3 nhà ga với tổng vốn đầu tư khoảng 1,1 tỷ USD. Tuyến Metro đã hoàn thành nghiên cứu xây dựng và đang kêu gọi đầu tư cùng với tuyến số 4.
Tuyến Metro TPHCM số 5 Cầu Sài Gòn – bến xe Cần Giuộc
Tuyến số 5 có chiều dài 26km bắt đầu từ: Bến xe Cần Giuộc mới – Quốc lộ 50 – Tùng Thiện Vương – Phù Đổng Thiên Vương – Lý Thường Kiệt – Hoàng Văn Thụ – Phan Đăng Lưu – Bạch Đằng – Điện Biên Phủ – cầu Sài Gòn. Dự án chia làm 2 giai đoạn đầu tư:
Giai đoạn 1: Cầu Sài Gòn – Ngã 4 Bảy Hiền
– Lộ trình tuyến: Ngã tư Bảy Hiền – Hoàng Văn Thụ – Phan Đăng Lưu – Bạch Đằng – Điện Biên Phủ đến cầu Sài Gòn. Đi qua các quận Tân Bình, Phú Nhuận và Bình Thạnh.
– Tổng mức đầu tư: khoảng 1,66 tỷ USD.
– Tổng chiều dài: khoảng 8,9km (7,46 km ngầm và 1,43 km trên cao).
– Số lượng ga: 8 ga (7 ga ngầm và 1 ga trên cao).
– Depot mini đặt tại công viên Hoàng Văn Thụ rộng 2 ha.
– Nhà tài trợ: Chính phủ Tây Ban Nha; Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB); Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB).
– Thời gian xây dựng: 2023 và khai thác thương mại vào năm 2030.
Giai đoạn 2: Ngã 4 Bảy Hiền – Bến xe Cần Giuộc mới.
– Lộ trình tuyến: Ngã tư Bảy Hiền – Lý Thường Kiệt – Phù Đổng Thiên Vương – Tùng Thiện Vương – Quốc lộ 50 – Bến xe Cần Giuộc mới. Đi qua các quận Tân Bình 10, 5, 8 và huyện Bình Chánh.
– Tổng mức đầu tư: khoảng 2,1 tỷ USD.
– Tổng chiều dài: khoảng 14,5km (7,46 km ngầm và 1,43 km trên cao).
– Số lượng nhà ga: 13.
– Depot đặt tại Đa Phước rộng 32 ha.
– Thời gian xây dựng: đang cập nhật.
Tuyến đường sắt đô thị số 6 Bà Quẹo – vòng xoay Phú Lâm
Tuyến số 6 sẽ kết nối với tuyến số 2 và số 3A giúp người dân có thêm lựa chọn khi tham gia giao thông. Điểm đầu của tuyến là ngã ba Bà Quẹo đi theo trục đường Âu Cơ – Lũy Bán Bích – Tân Hòa Đông và kết thúc tại Vòng xoay Phú Lâm. Chiều dài khoảng 5,6 km.
Toàn bộ dự án sẽ đi ngầm, bố trí 7 nhà ga, vốn đầu tư dự kiến là 1.33 tỷ USD. Việc lập dự án xây dựng đã hoàn thành và chuẩn bị kêu gọi đầu tư trong giai đoạn tới.
Với 8 tuyến Metro TPHCM trên đây thì hạ tầng giao thông tại đô thị lớn nhất cả nước sẽ từng bước được cải thiện. Mục tiêu xây dựng thành phố thông minh đang dần hiện thực hóa.