Cao tốc Dầu Giây Đà Lạt nằm trong quy hoạch hệ thống đường bộ cao tốc Việt Nam. Kết nối trực tiếp vào cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây. Bài viết này Bắc Nam Land sẽ cập nhật thông tin cũng như nêu rõ vai trò của dự án.
Thông tin về cao tốc Dầu Giây Đà Lạt
Tuyến cao tốc này nằm trong dự thảo quy hoạch giao thông đường bộ giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 của Bộ Giao thông vận tải. Quy hoạch chi tiết như sau:
– Tổng chiều dài: 218km. Gồm 4 dự án thành phần:
- Dầu Giây – Tân Phú: 60km.
- Tân Phú – Bảo Lộc: 67km.
- Bảo Lộc – Liên Khương: 73km.
- Liên Khương – Đà Lạt: 18km (đã xây dựng).
– Vốn xây dựng: dự kiến 65.000 tỷ đồng.
– Quy mô: 4 – 6 làn xe.
– Kí hiệu tuyến: CT.14.
– Địa phương đi qua: Đồng Nai và Lâm Đồng. Trong đó:
- Đồng Nai gồm các huyện: Thống Nhất; Định Quán; Tân Phú.
- Lâm Đồng gồm các huyện, TP: Bảo Lâm; Bảo Lộc; Đức Trọng; Di Linh; Đạ Huoai; Đà Lạt.
– Điểm đầu dự án: Nút giao Dầu Giây, Thống Nhất, Đồng Nai.
– Điểm cuối dự án: Chân đèo Prenn, TP Đà Lạt, Lâm Đồng.
Báo cáo quy hoạch cao tốc Dầu Giây Liên Khương
Với tổng chiều dài khoảng 200km, vốn đầu tư lớn nên Bộ Giao thông vận tải đề xuất nghiên cứu đầu tư trước phân đoạn Dầu Giây – Tân Phú. Cụ thể:
Điểm đầu: xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
Điểm cuối: xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Chiều dài: khoảng 60km.
Quy mô: 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A,
Vận tốc thiết kế: 100 km/h.
Vốn đầu tư: 6.619 tỷ đồng (Giai đoạn 1).
Hình thức đầu tư: Đối tác công tư (PPP), nhà nước góp 1300 tỷ đồng.
Dự kiến xây dựng: Năm 2022.
Dự kiến hoàn thành: Năm 2025.
Đối với phân đoạn 2 Tân Phú Bảo Lộc đang được UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Thông tin chi tiết:
Điểm đầu: xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Điểm cuối: đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Chiều dài: khoảng 67km.
Quy mô: 2 làn xe (GĐ1), 4 làn xe giai đoạn hoàn chỉnh.
Vận tốc thiết kế: 100 km/h.
Vốn đầu tư: 16.408 tỷ đồng (Giai đoạn 1).
Hình thức đầu tư: Đối tác công tư (PPP), nhà nước góp 6500 tỷ đồng.
Dự kiến xây dựng: Năm 2022.
Dự kiến hoàn thành: Năm 2025.
Phân đoạn 3 là Bảo Lộc – Liên Khương hiện chưa được đơn vị nào nghiên cứu đầu tư. Dự kiến, đoạn cao tốc này sẽ được xây dựng sau năm 2025.
Vai trò của dự án về giao thông, kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng.
Một đại dự án với số vốn lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng sẽ mang lại nhiều lợi ích. Bao gồm:
– Hạ tầng giao thông
Trước tiên là giảm tải cho Quốc lộ 20. Hiện nay, từ TPHCM đi Đà Lạt chỉ có thể di chuyển theo Quốc lộ 20. Tuy đã được nâng cấp mở rộng nhưng một số đoạn vẫn hay xảy ra ùn tắc. Khi có đường cao tốc rồi nên vấn đề này không còn đáng lo ngại.
Rút ngắn thời gian di chuyển còn 3h đồng hồ. Do đường đi qua địa hình đèo dốc phức tạp nên mất khá nhiều thời gian. Bây giờ đi ô tô từ TPHCM lên Đà Lạt hết 6 tiếng. Đường cao tốc được xây trên một cung đường thẳng nên sẽ tiết kiệm thời gian đi lại.
– Về kinh tế và xã hội
Quốc lộ 20 và Quốc lộ 14 là hai cửa ngõ giao thương giữa các tỉnh miền Đông Nam Bộ với Tây Nguyên. Tuy nhiên, hai cửa ngõ này đang dần trở nên quá tải do lưu lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa giữa hai vùng tăng trưởng nhanh. Đường cao tốc Dầu Giây Đà Lạt sẽ là cung đường mới để thúc đẩy phát triển kinh tế giữa hai vùng cũng như cả nước.
Ngoài ra, Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung là một Khu du lịch quốc gia quan trọng. Việc đi lại thuận tiện giữa Đà Lạt và TPHCM sẽ thu hút thêm nhiều du khách đến du lịch. Từ đó, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương cũng như thúc đẩy bất động sản Đà Lạt phát triển mạnh mẽ.
Các tỉnh Tây Nguyên có thế mạnh về nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp khai khoáng. Do đó, cơ sở hạ tầng được cải thiện sẽ giúp thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, đặt nhà máy sản xuất.
– Về an ninh quốc phòng
Vùng Tây Nguyên có vị trí địa chính trị quan trọng đối với Việt Nam vì đây là khu vực tiếp giáp Lào và Campuchia. Ngoài việc giúp phát triển kinh tế xã hội toàn vùng, tuyến cao tốc này cũng có vai trò đặc biệt đảm bảo an ninh quốc phòng quốc gia trong tình huống khẩn cấp.
Ước mơ về một tuyến cao tốc nối TPHCM và các tỉnh Tây Nguyên đang dần trở thành hiện thực. Hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều tuyến cao tốc khác được quy hoạch xây dựng ngoài tuyến cao tốc Dầu Giây Đà Lạt.